Quy trình vận hành bơm ly tâm đúng chuẩn thường không được mọi người chia sẻ nhiều, mà do chính người kỹ thuật tự tìm hiểu và thực hành thông qua các hướng dẫn cơ bản từ nhà sản xuất. Từ đó người ky thuật đúc kết cho mình những kinh nghiệm vận hành bơm ly tâm trong quá trình thực tế…
Tại sao cần vận hành bơm ly tâm đúng cách
Hiện nay, máy bơm ly tâm đã được cải tiến về thiết kế, vật liệu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để giám sát hiệu suất một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bất chấp tất cả sự cẩn thận trong vận hành và bảo trì, các kỹ sư thường phải đối mặt với tuyên bố “Máy bơm đã bị lỗi và không thể hoạt động nữa”.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến máy bơm ngừng hoạt động là không có khả năng cung cấp lưu lượng và cột áp mong muốn. Nhưng đó chỉ là một phần, còn nhiều tình trạng khác trong một máy bơm, không phải vấn đề về lưu lượng hoặc cột áp, nhưng cũng được coi là đã hỏng và phải ngừng hoạt động càng sớm càng tốt. Chúng bao gồm các vấn đề liên quan đến:
- Phốt (rò rỉ, mất hệ thống xả, bộ phận làm mát,…)
- Máy bơm và ổ trục động cơ (hết dầu bôi trơn, bộ phận làm mát, nhiễm dầu, tiếng ồn bất thường,…), rò rỉ từ vỏ máy bơm, mức độ tiếng ồn và độ rung.
- Bảng điều khiển (động cơ hoặc tuabin).
Thường thì nguyên nhân gốc rễ của các sự cố giống nhau nhưng các dấu hiệu luôn khác nhau. Một chút cẩn thận khi các dấu hiệu đầu tiên của sự cố xuất hiện có thể cứu máy bơm của bạn khỏi hỏng hóc.
Thực tế, có 2 loại vấn đề hầu hết gặp phải ở máy bơm ly tâm: lỗi thiết kế hoạt động kém, thực hành bảo dưỡng kém.
Bài viết này, Thái Khương trình bày thành 4 phần, bao gồm tất cả các khía cạnh của vận hành, bảo trì và khắc phục sự cố của máy bơm ly tâm, giúp bạn dễ dàng tăng tuổi thọ, giảm chi phí vận hành cho máy bơm ly tâm của mình.
Lưu ý trước khi vận hành bơm ly tâm
Trước khi bắt đầu quy trình vận hành bơm ly tâm, cần chuẩn bị và tuân thủ các lưu ý này để quá trình khởi động diễn ra trơn tru nhất.
- Vì máy bơm ly tâm không có khả năng tự mồi nên cần đổ đầy lưu chất vào máy bơm hoặc hút chân không đường ống trước khi vận hành thiết bị.
- Không vận hành máy bơm dưới lưu lượng định mức tối thiểu hoặc đóng các van hút, xả. Bởi những điều này có thể khiến máy bơm ly tâm dễ hỏng hóc.
- Luôn ngắt kết nối và khóa nguồn cho trình điều khiển trước khi thực hiện bất cứ tác vụ cài đặt hoặc bảo trì nào.
- Kiểm tra chiều quay của máy bơm theo chiều mũi tên hiển thị trên thân bơm (chiều quay thuận theo kim đồng hồ). Nếu khởi động máy bơm ly tâm theo chiều quay ngược lại có thể dẫn đến các bộ phận kim loại ma sát, sinh nhiệt và phá vỡ đường ống nước.
- Kết nối với nguồn điện áp ổn định: 3 pha (380V, 50Hz) hoặc 1 pha (220V, 50Hz) tùy theo các dòng bơm ly tâm khác nhau.
- Cần xả và làm sạch hệ thống kỹ lưỡng để loại bỏ tất cả bụi bẩn hoặc các mảnh vụn trong đường ống. Điều này nhằm tránh hỏng hóc khi khởi động máy bơm.
- Nếu nhiệt độ của chất lỏng được bơm vượt quá 93°C thì cần làm ấm máy bơm trước khi khởi động.
- Truyền một lượng nhỏ chất lỏng qua máy bơm cho đến khi nhiệt độ của vỏ máy nằm trong phạm vi 38°C so với nhiệt độ chất lỏng trước khi khởi động máy bơm ly tâm. Việc này giúp máy bơm tránh tình trạng bị sốc nhiệt cho ổ trục (liner), bánh công tác (impeller) và tránh làm hỏng phớt cơ khí (mechanical seal).
- Mở tất cả các hệ thống phụ trợ và để chúng hoạt động ít nhất 10 phút. Chờ đến khi toàn bộ hệ thống phụ trợ này hoạt động ổn định rồi mới thực hiện bước tiếp theo. Các hệ thống phụ trợ này bao gồm: hệ thống dầu bôi trơn, hệ thống xả kín, hệ thống làm mát và cách nhiệt.
Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra máy bơm ly tâm, tiến hành khởi động thiết bị theo quy trình dưới đây.
Quy trình vận hành bơm ly tâm
Trước khi khởi động máy bơm, cần thực hiện những công việc sau:
- Bước 1: Mở van hút
- Bước 2: Mở bất kỳ đường ống nước làm mát nào có trong hệ thống máy bơm
- Bước 3: Tùy thuộc vào điều kiện hệ thống mà bạn có thể đóng hoàn toàn hoặc mở một phần van xả
- Bước 4: Khởi động trình điều khiển
- Bước 5: Mở van xả từ từ cho đến khi máy bơm đạt đến lưu lượng mong muốn
- Bước 6: Kiểm tra đồng hồ áp suất để đảm bảo máy bơm đạt mức áp suất xả chính xác
- Bước 7: Nếu sau bước kiểm tra trên, máy bơm chưa đạt được áp suất xả đúng yêu cầu thì hãy thực hiện các bước sau:
- Dừng trình điều khiển
- Khởi động lại máy bơm
- Khởi động lại trình điều khiển
- Bước 8: Giám sát quá trình hoạt động của máy bơm
- Thực hiện bước kiểm tra máy bơm về nhiệt độ ổ trục (bearing), độ rung và tiếng ồn khi máy vận hành
- Nếu máy bơm hoạt động vượt quá mức bình thường thì cần tắt máy bơm ngay lập tức và khắc phục sự cố
- Bước 9: Lặp lại các bước 7 và 6 cho đến khi máy bơm ly tâm đảm bảo hoạt động bình thường.
Một số lưu ý quan trọng trong vận hành bơm ly tâm
- Tần suất khởi động máy bơm tối đa không quá 12 lần/ giờ.
- Chênh lệch áp suất không được thấp hơn điểm thiết kế, cũng không được gây biến động các thông số hoạt động trong hệ thống. Giá trị áp kế đầu ra của bơm bằng chênh lệch áp suất cộng với giá trị áp kế đầu vào.
- Cần đảm bảo rằng dòng điện không được vượt quá giá trị hiển thị trên đồng hồ motor.
- Khi vận hành thử, cần xem xét công suất của động cơ. Nếu trọng lượng riêng của môi trường thực tế nhỏ hơn trọng lượng riêng của môi trường chạy thử thì cần kiểm soát chặt chẽ việc mở van trong quá trình chạy thử để tránh quá tải hoặc cháy động cơ.
Sau khi hoàn tất quy trình vận hành bơm ly tâm theo các bước trên, cần chú ý đến thao tác dừng máy để đảm bảo máy bơm ly tâm có thể hoạt động bình thường và kéo dài tuổi thọ của thiết bị.
Các bước dừng hoạt động máy bơm ly tâm
Các bước bạn cần tuân thủ để đảm bảo an toàn:
- Bước 1: Từ từ đóng van xả cho đến khi dòng chảy đạt lưu lượng nhỏ nhất
- Bước 2: Khi đường tuần hoàn còn dòng chảy tối thiểu, tiến hành đóng van xả khi van tuần hoàn mở hoàn toàn, sau đó ngắt nguồn để dừng máy bơm. Máy bơm nếu có nhiệt độ cao thì nên ngừng tuần hoàn nước khi nhiệt độ dưới 80°C, còn hệ thống làm kín (gồm chất lỏng thải ra, khí bịt kín) phải được dừng lại sau 20 phút dừng máy bơm ly tâm.
- Bước 3: Bơm dự phòng: Van hút mở hoàn toàn và van xả đóng hoàn toàn (khi có dòng chảy tối thiểu), để máy bơm ở trạng thái đủ áp suất hút. Nên tiếp tục sử dụng nước làm mát của bơm dự phòng để giữ mức dầu bôi trơn dưới mức quy định. Đặc biệt, vào mùa đông, cần chú ý giữ cho đường ống nóng và nước làm mát không bị tắc nghẽn.
- Bước 4: Sau khi dừng máy bơm, đầu tiên cần đóng van đầu vào nitơ khô của hệ thống làm kín, giảm áp suất trong buồng kín. Sau đó xả hoàn toàn chất lỏng trong máy bơm và nước làm mát trong hệ thống làm mát để thân máy bơm có áp suất giảm xuống bằng 0. Đồng thời, các chất còn sót lại trong máy bơm được tẩy sạch, tất cả các van được đóng lại và ngắt tất cả các nguồn điện.
Lưu ý quan trọng khi dừng vận hành bơm ly tâm
- Mọi quá trình thực hiện trên cần đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, an toàn và môi trường.
- Máy bơm dự phòng phải được điều khiển theo quy định.
- Nếu máy bơm dừng động cơ trước rồi mới đóng van đầu ra thì chất lỏng áp suất cao trong đường ống đùn có thể bị ngược vào máy bơm. Điều này làm cánh quạt quay ngược với tốc độ cao và dẫn đến tình trạng hư hỏng của máy bơm.
- Nếu máy bơm không được sử dụng sau một thời gian dài hoặc nhiệt độ môi trường thấp hơn 0°C, nước trong máy bơm nên được xả ra.
Kiểm tra và bảo dưỡng bơm ly tâm
Máy bơm ly tâm cần phải được giám sát thường xuyên và chính xác theo một kế hoạch cụ thể được thực hiện bởi nhân viên được đào tạo chuyên sâu.
Bảo dưỡng định kỳ máy bơm ly tâm là một công đoạn cực kỳ quan trọng không nên bỏ qua, nếu muốn tăng tuổi thọ và giảm chi phí vận hành máy bơm ly tâm.
6 thông số cần theo dõi thường xuyên trên một máy bơm ly tâm
- Áp suất hút (Ps)
- Áp suất xả (Pd)
- Lưu lượng (Q)
- Tốc độ bơm (N)
- Hiệu suất bơm (η)
- Công suất
Trong quá trình kiểm tra máy bơm định kỳ, chỉ có thể kiểm tra các yếu tố dễ theo dõi như áp suất, nhiệt độ, độ rung,… Nhưng trong quá trình kiểm tra hàng quý, cũng nên kiểm tra sự liên kết trục và mức dầu.
Dưới đây là công việc cần thực hiện cho quá trình bảo dưỡng bơm ly tâm mà bạn có thể tham khảo thêm!
Các vấn đề cần kiểm tra định kỳ hằng ngày
- Kiểm tra mức độ và tình trạng của dầu thông qua kính của giá đỡ máy bơm
- Kiểm tra tiếng ồn, độ rung và nhiệt độ ổ trục có bất thường hay không
- Kiểm tra máy bơm và đường ống xem có rò rỉ không
- Phân tích độ rung
- Kiểm tra áp suất xả
- Kiểm tra nhiệt độ
- Kiểm tra khoang làm kín và hộp đệm kín (stuffing box) xem có rò rỉ không
- Đảm bảo rằng không có rò rỉ từ phớt cơ khí
- Điều chỉnh hoặc thay thế vòng đệm kín (paking) trong hộp đệm kín nếu thấy rò rỉ quá nhiều
Các vấn đề cần kiểm tra định kỳ 3 tháng
- Kiểm tra xem chân đế và các bu lông của máy bơm ly tâm có bị tuông hay không
- Kiểm tra phớt cơ khí, nếu chúng không hoạt động chuẩn nữa thì cần thay thế theo yêu cầu
- Thay nhớt tối thiểu ba tháng một lần (2000 giờ vận hành)
- Thay dầu thường xuyên nếu chúng làm việc trong điều môi trường bất lợi hoặc các điều kiện khác có thể làm ô nhiễm hay hỏng dầu
- Kiểm tra trục có thẳng hàng hay không và điều chỉnh lại nếu cần
Các vấn đề cần kiểm tra hằng năm trên máy bơm ly tâm
Thực hiện các kiểm tra sau đây mỗi năm một lần:
- Kiểm tra công suất máy bơm
- Kiểm tra áp suất của máy bơm
- Kiểm tra nguồn điện của máy bơm
Nếu hiệu suất máy bơm không đáp ứng các yêu cầu quy trình thì hãy làm như sau:
- Tháo máy bơm tách rời các bộ phận
- Tiến hành kiểm tra các chi tiết bên trong
- Thay thế các bộ phận bị mòn theo quá trình vận hành bơm ly tâm
Bảo dưỡng tất cả các bộ phận của máy bơm cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên bảo dưỡng bơm ly tâm 6 tháng một lần, hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào tần suất sử dụng. Việc kiểm tra và làm sạch nên được thực hiện đều đặn. Việc này nhằm tránh các mảnh vụn tích tụ gây tắc nghẽn và cản trở dòng chảy qua lưới lọc.
Giải pháp tốt nhất để tránh các chi phí sửa chữa bất ngờ hoặc thiệt hại không lường trước đến chất lượng sản xuất, là đảm bảo rằng máy bơm ly tâm của bạn đang được giám sát và thực hiện các biện pháp bảo trì phòng ngừa thích hợp.
Một khi các phương pháp nói trên được thực hiện như một quy trình làm việc bắt buộc của doanh nghiệp bạn, bạn sẽ thấy việc giảm đáng kể các lỗi phát sinh trong quy trình sản xuất và thấy nhân viên của mình được làm việc trong một môi trường an toàn hơn nhiều.
Đừng nghĩ bảo trì máy bơm không chỉ nhằm mục đích cắt giảm chi phí, mà còn để tăng cường các biện pháp an toàn và tuân theo các quy trình thích hợp, để đảm bảo hiệu suất hoạt động của hệ thống xuyên suốt quá trình sản xuất.
Liên tục theo dõi máy bơm ly tâm của bạn có thể hơi mất thời gian, tuy nhiên, khi bạn nhận ra sức mạnh của hiệu quả vận hành và giảm đáng kể chi phí bảo trì, bạn sẽ phải thốt lên rằng: “Tại sao tôi không thực hiện điều đó sớm hơn”.
Lời kết
Quy trình vận hành bơm ly tâm hầu như không có nhiều khác biệt ở các dòng bơm khác nhau. Tuy nhiên, cần chú ý một số điểm trước, trong và sau khi vận hành. Điều này nhằm giúp nâng cao tuổi thọ của máy bơm. Đồng thời, đảm bảo máy hoạt động trơn tru và hiệu suất cao ở những lần sử dụng tiếp theo.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc hay cần tư vấn, hãy liên hệ với Thái Khương Pumps qua hotline 0941 400 488 để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn nhanh nhất.